Cơ hội cho các chủ đầu tư phía Bắc

0

Xu hướng “Bắc tiến” của các nhà đầu tư ngoại đang mở ra những cơ hội lớn cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh BĐS khu công nghiệp phía Bắc.

Thị trường Việt Nam hiện nay đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đến thuê đất để sản xuất kinh doanh. Bởi, ngoài các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện đáp ứng tốt chuỗi cung ứng có sẵn, giá cả giữ ổn định. Trong khi đó cơ sở hạ tầng cũng ngày một hoàn thiện, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng qua sân bay hoặc hải cảng. Ngoài ra, khoảng cách tương đối ngắn với thị trường lớn Trung Quốc cũng là một ưu thế hấp dẫn nhà đầu tư.

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2013, một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài đã “đổ bộ” vào Việt Nam phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài những cái tên đình đám đã có “thâm niên” lâu năm về công nghệ, viễn thông như Canon, Samsung, LG… thị trường hiện cũng đón nhận nhiều tên tuổi mới, đa số là các doanh nghiệp đầu tư quy mô vừa, nhỏ như các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, thực phẩm, công nghiệp chế biến như Ichiban Star (Nhật Bản); Công ty TNHH Poong In Vina 5 (Hàn Quốc);  Dainichi Color; Giấy Tisu….đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Nếu nói về BĐS khu công nghiệp, phía Nam vẫn chiếm ưu thế cạnh tranh cao hơn. Đầu não kinh tế Tp.HCM với các thành phố vệ tinh như Bình Dương, Long An, Đà Nẵng, Cần Thơ…từ lâu đã được nhà nước ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phát triển khá sớm và hoạt động khá chuyên nghiệp so với phía Bắc, một thời gian dài  các khu công nghiệp tại phía Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư ngoại sừng sỏ khi quyết định đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các khu công nghiệp phía Bắc số lượng khách ngoại tập trung ít hơn, chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước, quy mô sản xuất kinh doanh cũng nhỏ hơn, không đình đám như Vsip hay Sóng Thần…

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển rầm rộ, các dự án KCN tại phía Nam nay đã có dấu hiệu bão hòa. Lượng nhà đầu tư trong các khu công nghiệp đã ổn định, diện tích đất, kho xưởng cho thuê cũng gần như đã được lấp đầy, trong khi các khu công nghiệp mới mở khá nhỏ giọt. Trong khi đó, nhiều chính sách ưu đãi trước đây của Chính phủ cũng đã “hết hạn”, một số ngành công nghiệp bị ngừng cấp phép sản xuất…Chính vì thế, ngoài việc phải cạnh tranh khá gay gắt để tìm kiếm nhà đầu tư mới thì nay các chủ đầu tư BĐS khu công nghiệp phía Nam còn phải cạnh tranh với sức hút mạnh mẽ từ thị trường phía Bắc khi mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến thị trường này vì có giá cả rẻ hơn, nhận được nhiều ưu đãi hơn. Nhất là các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh vệ tinh Hà Nội như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên…

Ưu thế về giá cả là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư nhắm tới các KCN phía Bắc. Mặt bằng giá thuê đất, kho xưởng tại các khu công nghiệp phía Nam đang ở mức sàn khá cao. Giá thuê trung bình tại các KCN Tp.HCM khoảng 3-3,8 USD/m2, chưa VAT và một số chi phí dịch vụ, sửa sang theo yêu cầu khác. Trong khi đó, tại các KCN tốt nhất phía Bắc giá thuê cũng chỉ khoảng 2-3 USD/m2. Giá thuê đất “mềm” cùng với những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp… là điều mà các ông chủ phía Nam khó có thể cạnh tranh trong cuộc chạy đua này. Ngoài ra, vấn đề chung chia lợi nhuận, đóng góp với địa phương có KCN cũng góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư ở thị trường phía Bắc.

Từ những nguyên nhân trên, nhiều nhà đầu tư ngoại đã tìm hướng “Bắc tiến”. Ngay từ năm 2013 đã có khá nhiều thông tin cho thấy, những nhà sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại với quy mô lớn đã dịch chuyển ra các KCN phía Bắc. Trong đó nổi lên là hiện tượng tổ hợp Công nghệ cao Samsung mặc dù đã có vài năm tìm hiểu các KCN ở Nhơn Trạch, Tp.HCM nhưng cuối cùng lại chọn Thái Nguyên để “dừng chân”.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đang tiến hành khảo sát, tìm kiếm đất sạch hoặc kho xưởng xây sẵn tại các KCN của Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận. Tuy không phải là những “ông lớn” như Samsung, Canon…nhưng cũng khá nhiều tập đoàn có tên tuổi như Shinshu Ham, Kokusai Keike….hứa hẹn đem lại cho thị trường BĐS KCN phía Bắc những cơ hội lớn.

Nắm bắt được xu thế này, một số chủ đầu tư BĐS khu công nghiệp phía Bắc đã nhanh chóng đổ vốn đầu tư vào KCN. Mới đây nhất, hồi giữa tháng 3, tập đoàn FLC đã trúng thầu gói đầu tư dự án khu công nghiệp Tam Dương II – khu B, Vĩnh Phúc với tổng số vốn đầu tư lên tới 2.310 tỷ đồng. Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết: “Dự án sẽ hướng đến thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc…” Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang nhắm đến việc phát triển nhiều khu công nghiệp tại các địa phương khác.

Mặc dù nhiều cơ hội rất tốt đang đến với thị trường BĐS khu công nghiệp phía Bắc, nhưng “miếng bánh” này cũng chưa hẳn dễ ăn khi nhà đầu tư hiện nay đa số đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản vốn là những doanh nghiệp nổi tiếng “kỹ tính”. Mặt khác, các khu công nghiệp phía Nam với tiềm năng lâu bền và thâm niên phát triển khu công nghiệp vẫn có sức hút lớn với nhà đầu tư.Theo ông Phan Thanh Bình, chủ công ty TNHH DV & TM XD Thanh Bình, giao dịch cho thuê đất, kho xưởng tại các KCN Tp.HCM và các tỉnh lân cận vẫn thành công khoảng 60-70%. Nếu đáp ứng tốt về mặt pháp lý, giấy tờ cũng như một số yêu cầu khác (phòng cháy chữa cháy; môi trường…), các dự án vẫn có giao dịch tốt.

Xem ra để “ăn” được “miếng bánh” ngon từ các nhà đầu tư ngoại, các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh BĐS khu công nghiệp phía Bắc cần phải có chiến lược dài hơi, trong đó không chỉ chú trọng đến các yếu tố cốt lõi như chất lượng công trình, hạ tầng, mặt bằng đất sạch mà còn phải “thông thạo” nhiều vấn đề “râu ria” khác.

Có thể bạn quan tâm Xem thêm

Call Now ButtonHotline : 0913293201