Phải cụ thể hóa các tiêu trí

0

Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2007/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ59) về quản lý chất thải rắn (CTR) . Đây là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, văn bản được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về CTR, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động quản lý CTR, cơ bản đã phát huy được hiệu quả.


Cần có tiêu trí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn.

Hiện các công nghệ xử lý CTR tại Việt Nam ngày càng đa dạng, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Các công nghệ đang áp dụng của nước ngoài và trong nước đang hoạt động chưa được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ.

Công nghệ nước ngoài đang áp dụng chi phí cao, chưa phù hợp với tính chất rác thải và rác chưa được phân loại tại nguồn, hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ, máy móc thiết bị chế tạo chưa đươc thị trường hóa.

Để giải quyết bất cập trên, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59 về Quản lý chất thải rắn, trong đó quy định về tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn để làm cơ sở cho các địa phương trong việc xem xét, lựa chọn công nghệ phù hợp với địa phương mình.

Dự thảo Nghị định quy định rõ khi các địa phương áp dụng công nghệ xử lý rác thải phải đảm các tiêu chí như hiệu quả xử lý phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm sau quá trình xử lý; Tiết kiệm đất xây dựng; Quản lý, vận hành và bảo dưỡng phù hợp với năng lực trình độ quản lý và vận hành của địa phương; Chi phí đầu tư và chi phí xử lý hợp lý; Có khả năng mở rộng công suất hay cải thiện hiệu quả xử lý trong tương lai; Tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái sử dụng, thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý.

Nhằm tăng hiệu quả xử lý rác thải, Dự thảo Nghị định quy định rõ những ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR sinh hoạt như được giao đất sạch để xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hỗ trợ đầu tư từ các nguồn ngân sách và vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Riêng đối với khu vực nông thôn, làng nghề được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư các dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo nơi tập kết, cơ sở xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh cấp huyện, xã. Ngoài ra, chủ đầu tư được bảo đảm nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi bằng thế chấp các tài sản được hình thành từ vốn vay.

Mặt khác, chủ đầu tư còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào công trình, hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, miễn giảm các mức thuế theo quy định hiện hành, hỗ trợ giá tiêu thụ sản phẩm được sản xuất, tái chế từ chất thải rắn sinh hoạt.

Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: Công nghệ xử lý chất thải hiện nay ở Việt Namtập trung chủ yếu 3 loại: Chôn lấp; sản xuất phân vi sinh và đốt.

Ngoài ra, có một vài công nghệ sản xuất ra dầu PO, điện, vật liệu xây dựng… Mỗi một công nghệ có những ưu, nhược điểm khác nhau và cũng có thành công và thất bại.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay (phân loại chưa được tại nguồn ngay cả thu gom cũng vậy) thì việc chôn lấp vẫn là phổ biến.

Tuy nhiên sẽ phải có hướng dẫn để việc chôn lấp hợp vệ sinh, chiếm ít đất và xử lý được ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra việc đốt rác cũng là một hướng nghiên cứu áp dụng, tuy nhiên chi phí xử lý đắt chỉ phù hợp với các đô thị lớn có điều kiện và nguồn chi trả, còn sản xuất phân cần được hoàn thiện về chất lượng sản phẩm và có thị trường tiêu thụ.

Thành Luân

Có thể bạn quan tâm Xem thêm

Call Now ButtonHotline : 0913293201